CHIẾN BINH CẦU VỒNG
Phan_12
Trước đây tôi đã từng chứng kiến Bujang Ncas ra tay. Ông nhảy thốc lên bàn nhanh như sóc. Ông khá điềm tĩnh. Ông không thèm quan tâm đến tính tham lam của những người tham gia khác. Cách hành xử của ông hệt như của một nô lệ được Siti Hindu hứa trả tự do nếu giết được Hamzah, thống lĩnh Hồi giáo trong cuộc chiến Utar. Người nô lệ ấy chẳng liên quan gì đến cuộc chiến này cả; chẳng phải chuyện của anh ta, và sau khi đâm cây giáo xuyên qua ngực Hamzah, anh ta vội vã trở về nhà.
Va Bujang Ncas với đôi mắt hoang dại cũng hệt như thế đó. Ông ta gạt hết những thứ đồ quý giá khác, ông ta không để ý đến tiếng hò reo vang dội của hàng trăm người vạm vỡ cường tráng tham gia cuộc chiến sống mái này. Ông ta nhón gót đi thật điệu nghệ trên biển đồ. Đôi mắt sáng quắc lanh lợi của ông liếc qua liếc lại. Và chẳng mất quá nhiều thời gian, ông ta đã xác định được vị trí của fung fu. Không hiểu sao ông ta luôn tìm thấy nó, ngay cả khi ông thầy nho đã giấu chiếc túi vải thiêng nhỏ màu đỏ thắm ấy nằm gọn trong nếp gấp của một chiếc áo ngủ phụ nữ, hay trong một trong hàng trăm hộp bánh quy gần như không thể mở, hay trong một bao quả lai, hay bên trong chiếc kẹo cây, hay trong quả bưởi.
Bujang Ncas lận fung fu vào bên trong thắt lưng. Rồi huyền thoại sống của lễ giật đồ đó nhảy xuống đất êm ru, như thể ông có một sức mạnh nào đó khiến mình trở nên vô trọng lượng vậy. Một lúc sau, ông lẫn vào đám đông, mất dạng. Mang theo biểu tượng của lễ hội, ông mất hút vào trong bóng đêm, khói hương trầm nghi ngút.
Căng thẳng do đợi A Ling quá lâu, bụng tôi quặn đau. Chân muốn khuỵu xuống, đầu váng vất. Những ý nghĩ lung tung bắt đầu xâm chiếm tôi. Liệu A Ling có giống với hình ảnh tôi luôn mường tượng trong suốt thời gian qua không? Liệu những gì tôi hình dung về cô có khác với thực tế không? Biết đâu cô chưa từng quan tâm đến tôi thì sao.
Những ý nghĩ lộn xộn ấy bị cắt ngang khi đột nhiên tôi nghe thấy tiếng ang thủy tinh vỡ. Tiếng động bất ngờ ấy cắt đứt dòng suy nghĩ miên man của tôi, và tôi chạy như ma đuổi đến chỗ an toàn khi hàng ngàn người tấn công ba cái bàn như thể bị ma ám.
Và rồi tôi chứng kiến một trong những hiện tượng đáng kinh ngạc nhất từng tồn tại ở loài người. Cho dù năm nào tôi cũng được chứng kiến nhưng cảnh tượng ấy vẫn khiến tim tôi muốn ngừng đập. Hàng núi đồ trên ba cái bàn biến mất tăm trong chưa đầy một phút - nói đúng hơn là hai mươi lăm giây. Không lời nào có thể diễn tả được khoảnh khắc đó, khoảnh khắc sân chùa rơi vào hỗn loạn kinh khủng. Hàng trăm người hung dữ tấn công không thương tiếc mấy cái bàn cao. Họ chẳng khác gì bầy cá mập háu đói đang rượt đuổi con mồi.
Những người đã leo lên được trên bàn thì di chuyển nhanh như chớp, thành thục hất đồ xuống dưới cho người trong nhóm chờ sẵn. Những người đi một mình thì leo lên bàn, ngồi thụp xuống chộp bất kỳ thứ gì có thể, lần lượt cho vào mấy cái túi mang theo; thao tác của họ cũng nhanh chẳng kém. Có khi họ không thể nhấc được cái bao ra khỏi bàn vì trọng lượng của nó vượt quá sức họ.
Hàng tá người giành giật nhau món gì đó và một trận cãi vã òm tỏi nổ ra giữa đống đồ. Họ ngã ngửa ra, va vào nhau, rồi rớt đánh bịch xuống đất. Đám khán giả thậm chí không có cơ hội vỗ tay cổ vũ nữa - họ quá kinh ngạc trước cảnh tượng khủng khiếp phơi bày bản năng hoang dã không thể tưởng tượng nổi của con người.
Những người không mang theo bao thì nhét tất cả mọi thứ có thể vào túi, thậm chí lận vào quần áo - nhìn họ giống như những anh hề. Trong tình huống quay cuồng chóng mặt ấy, não họ không thể vận hành hợp lý được nữa, ngay đến gạo và đường họ cũng nhét cả vào trong túi. Nếu túi và quần đầy, họ sẽ cho tất cả những gì có thể vào mồm. Họ cố hết sức giành lấy mọi thứ trong tầm tay, miễn là chúng vẫn còn trên bàn. Nếu cần, thậm chí họ sẽ cho các thứ vào trong lỗ mũi và lỗ tai nữa - quái đản thật!
Nếu ai đó đủ may mắn chộp được chiếc radio bán dẫn thì đừng hòng mang được nó về nhà nguyên vẹn, bởi vì chính chiếc radio ấy sẽ ngay lập tức bị đến mười lăm người chộp lấy cùng một lúc, sau đó thì còn lại có mỗi cái núm vặn kênh hay chiếc ăng ten. Mục đích không phải là lấy ăng ten mà là để đảm bảo rằng không ai khác có được chiếc radio nguyên vẹn. Dù radio bị phá hỏng hay không thể dùng được nữa thì cũng không quan trọng. Buổi lễ thể hiện lòng tham của con người. Ấy là một minh chứng không thể bác được của thuyết nhân loại học cho rằng tính ích kỷ, lòng tham, sự phá hoại và tính thích gây hấn là đặc tính cơ bản của giống người hiện thời.
Không đầy ba mươi giây, Lễ giật đồ - cái lễ mà người ta đợi suốt cả một năm ròng - kết thúc, chẳng còn lại gì ngoài lớp bụi dày, những người tham gia mình đầy thương tích, và những cái bàn tan nát giống như trái tim tôi sau khi chứng kiến tất cả.
Tôi đã đợi gần năm giờ đồng hồ, từ lễ cầu nguyện tối đến nửa đêm - A Ling vẫn không thấy đâu. Cô đã không giữ lời hứa. Có thể cô đang mải nhặt mầm đậu và đã quên mất cuộc hẹn cùng tôi chăng? Lẽ nào cô không biết được rằng mẩu tin nhắn trên hộp phấn đó có ý nghĩa nhiều như thế nào đối với tôi? Thậm chí cô còn chẳng thèm đến.
Tôi phát chán khi nghe bài hát dangdut Mã Lai Gelang Sipatu Gelang, bài hát kêu gọi mọi người về nhà vì cuộc vui đã chấm dứt. Tôi cứ đứng ngây ra thẫn thờ nhìn những người bán hàng rong dọn dẹp đồ đạc và đám đông lục tục kéo nhau về. Tim tôi tan vỡ. Rõ ràng, niềm hạnh phúc tôi đã cảm thấy suốt thời gian mua phấn chỉ là cảm nhận của riêng tôi. Tôi không hơn gì một con sói đang tru dưới ánh trăng, một đứa con trai kém may mắn với tình yêu không được đáp trả.
Ngực tôi thắt lại trong mong đợi xen lẫn tuyệt vọng. Tôi muốn đạp xe thật nhanh và quăng mình xuống dòng sông Lenggang cho rồi. Nhưng ngay khi sắp sửa đạp xe đi thì tôi nghe thấy một giọng nói ngay đằng sau. Giọng nói mềm mại như đậu hũ. Và là giọng nói du dương nhất tôi từng nghe trong đời, như thể tiếng đàn hạc từ thiên đàng vọng xuống.
“Tên cậu là gì?”
Tôi quay ngoắt lại và ngay lập tức cảm thấy như hai chân mình nhấc bống lên khỏi mặt đất.
Tôi thậm chí không thể thốt nên nổi một lời nào vì đứng trước mặt tôi đây, cách đúng ba mét, chính là A Ling!
Tôi hoàn toàn không biết cô đã đến từ hướng nào vì từ lúc nãy đến giờ hẳn là cô ở bên trong chùa nhìn tôi. Vào phút cuối cùng, khi tôi sắp sửa bỏ về trong tuyệt vọng thì cô đến và đảo ngược cảm giác thất vọng trong tôi.
Sau ba năm biết cô, chỉ biết mỗi móng tay của cô, mãi bảy tháng trước tôi mới trông thấy mặt cô. Sau khi tôi viết cho cô hàng tá bài thơ, và sau khi tôi mong đợi đến mỏi mòn, đêm nay cô mới biết tên tôi.
Tôi lắp bắp như người Mã Lai học kinh Koran.
Cô chỉ mỉm cười; một nụ cười ngọt ngào xiết bao. Cô mặc chong kiun, một chiếc váy dài đẹp mặc vào các dịp đặc biệt, và vào lễ hội tháng Sáu này, cô xuất hiện như nàng vệ nữ của biển Đông. Chiếc váy ôm sát người cô tôn lên những đường cong, dài từ mắt cá lên đến cổ, và được đơm một cái cúc hình như móng tay. Cơ thể mảnh dẻ của cô được nâng đỡ trên đôi guốc mộc xanh da trời.
Chính vào khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy mình không tương xứng. Đối với tôi, A Ling giống như một người luôn thuộc về người khác. Tôi chỉ đơn thuần là một cái tên trong danh bạ điện thoại của cô, sẽ bị cô mau chóng quên đi sau một tuần.
Cô hiểu tôi đang nghĩ gì. Cô cầm lấy kiang lian, chiếc vòng cổ của mình. Trên bề mặt chiếc vòng cổ có đính một viên ngọc có khắc chữ Trung Quốc tôi không hiểu.
“Miangsui,” cô nói, “Định mệnh.”
A Ling nắm tay tôi. Chúng tôi chạy về phía cái đu quay.
Người coi giữ chiếc đu quay đã ngắt điện. Anh sắp sửa ra về. A Ling nài nỉ anh cho nó quay thêm một lần nữa. Anh rõ ràng hiểu được đôi trẻ này đang say sưa với tình yêu.
“Tớ đã đọc bài thơ Hoa cúc trước lớp,” A Ling bảo, “Hay lắm.”
Tôi sung sướng tột cùng.
Và rồi chúng tôi im lặng, chỉ im lặng, ngồi mãi trên đu quay không muốn xuống. Tim tôi như nhảy múa dưới ánh sáng hắt ra từ những ngọn đèn trên chiếc đu quay thắp sáng bầu trời. Đó là đêm đẹp nhất trong đời tôi.
Chương 22 - Tuk Bayan Tula HÓA RA CÁI ANH PHUN THUỐC DIỆT MUỖI tên là Mujus ấy đã nói thật. Hôm nay có bốn người đội mũ bảo hộ và mang khoan đến sân trường chúng tôi. Họ là những jurucam - giám định viên của PN. Họ có nhiệm vụ tập hợp các mẫu đất để tìm ra hàm lượng thiếc có trong đất. Nếu chỗ nào có hàm lượng thiếc cao, họ sẽ đưa máy xúc đến khai thác.
Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện và hy vọng hàm lượng thiếc xung quanh trường Muhammadiyah thấp để máy xúc không cần phải phá hủy nó. Chúng tôi đã khốn khổ với những khó khăn thường nhật quá rồi, và lời đe dọa của ông Samadikun về việc đóng cửa trường vẫn còn đang treo lơ lửng trên đầu - chẳng phải khó khăn của chúng tôi càng tăng lên bội phần khi lại còn phải đối mặt với những cái máy xúc nữa hay sao?
Nhưng lúc chúng tôi đang lo cuống lên như thế thì một người mặc đồng phục bảnh bao xuất hiện. Ông ta đeo phù hiệu Pramuka (Hướng đạo sinh) trên túi áo. Ông ta hỏi, “Ở đây có Pramuka nào không?”
Cô Mus lắc đầu. Vì không đủ tiền cho việc ấy, chúng tôi chưa bao giờ thành lập được một đội Hướng đạo sinh. Quần áo hằng ngày của chúng tôi thậm chí còn không đủ cúc thì lấy đâu ra đồng phục Hướng đạo sinh chứ.
Người đó bảo cần huy động sự giúp đỡ của Hướng đạo sinh từ nhiều trường học để tìm một con nhỏ bị lạc trong núi Selemar.
“Nhưng chúng cháu có Chiến binh Cầu vồng,” Mahar nhanh nhảu .
“Chiến binh Cầu vồng là gì?”
Mahar lễ phép giải thích mối liên hệ giữa cầu vồng và bộ tộc cổ ăn thịt người của Belitong. Cô Mus và cái ông mặc đồng phục chỉ biết gãi đầu, cả hai không nói được lời nào.
“Chúng cháu sẵn sàng giúp ạ,” Mahar nói hùng hồn.
Khi chúng tôi đến được chân núi Seluma thì trời đã chạng vạng. Cảnh sát, đội tìm kiếm và cứu hộ, nhiều đội Hướng đạo sinh và thành viên cộng đồng khác nhau muốn ra tay giúp đỡ đã sẵn sàng lên núi để tìm con nhỏ mất tích đó. Rõ ràng, con nhỏ đó sống trong Điền Trang, học sinh trường PN lạc khỏi lớp lúc đi leo núi dã ngoại. Gia đình và thầy cô giáo hoảng loạn khóc lóc thảm thiết.
Chó sủa ran, mọi người gọi tên con nhỏ đó, loa phóng thanh ầm ĩ. Từ tiếng loa in tai chúng tôi biết con nhỏ lạc đường có tên là Flo.
Đêm xuống. Nét mặt ai cũng trở nên lo lắng hơn. Năm trước, có hai đứa con trai mất tích; ba ngày sau người ta nhìn thấy chúng nằm rúc vào nhau dưới gốc cây medang, chết vì đói rét.
Các đường mòn quanh núi Seluma đúng là độc nhất vô nhị. Nhìn từ mọi gốc độ, cánh rừng chẳng có gì khác biệt. Một người có thể cảm thấy như biết rõ mình đang ở đâu, và mải đi sâu tít vào rừng rậm lúc nào không hay.
Có thể Flo bị lạc ở mạn Nam rồi cứ thế tiến về những dòng chảy của mấy nhánh sông Linggang nhiều thác ghềnh. Tại đó, trên mặt đất bằng phẳng rộng lớn có những chỗ nguy hiểm chết người, kiumi - cát lún trông rất rắn chắc nhưng khi giẫm lên chỗ đất đó sẽ ngay lập tức nuốt chửng cả người.
Nhưng nếu Flo không may bị lạc ở mạn Bắc, có thể nói con nhỏ đã đi vào đúng cổng địa ngục rồi. Không lối ra. Vùng đó bị khóa chặt bởi một con sông cực kỳ hung dữ có tên gọi là Buta. Con sông đó ngốn không biết bao nhiêu mạng người rồi. Dân làng đặt tên nó là Buta vì nó đáng sợ như thế. “Buta” có nghĩa là tối tăm, mờ mịt, không manh mối, bị mắt kẹt không lối ra - cái chết.
Ai cũng sợ sông Buta. Bề mặt của nó hiền hòa như mặt hồ, phẳng lặng như gương. Nhưng bên dưới bề mặt êm đềm đó ẩn chứa cái chết - những con cá sấu khổng lồ và những con rắn sống dưới đáy đen ngòm. Cá sấu sông Buta có một đặc điểm rất lạ. Chúng nhìn chăm chăm vào mấy con khỉ đang đu đưa trên những nhánh cây thấp, nhưng lại đớp người trên thuyền. Những cây thông Úc già nua mọc oằn ra tận giữa dòng sông. Một vài cây đã chết khô, tạo nên một hình ảnh rợn tóc gáy, giống như những con ma khổng lồ lởn vởn trên sông chực chờ một con mồi đi ngang qua.
Nếu Flo thật sự bị lạc ở mạn Bắc này, nó không trở ra được, vì nó không đủ sức để trèo hết dãy núi đá granit sừng sững đó. Nếu nó có cố hết sức thì cũng sẽ trượt và té nhào xuống bên dưới mà thôi. Cách duy nhất cho nó là băng qua sông Buta. Để qua được sông, trước tiên nó phải vẹt thảm huệ tây dại cao ngang ngực. Bước chân đầu tiên nó đặt xuống chỗ nước đầy hoa huệ tây dại cũng là bước chân cuối cùng, vì chỗ đó là nơi sinh sống của phần lớn những con cá sấu hung dữ nhất Belitong.
Đêm xuống. Đã mười giờ đồng hồ kể từ khi Flo bị lạc. Không một tia hy vọng nào le lói. Con nhỏ tội nghiệp, một mình trong rừng sâu thăm thẳm. Có thể nó đang ngồi thu lu dưới một gốc cây, khóc nức nở, hoảng hốt, sợ hãi, lạnh run.
Trong lúc hoảng loạn, nhiều người đề nghị viện đến sự giúp đỡ của một ông già tên là Tuk Bayan Tula.
Tuk Bayan Tula là một pháp sư khét tiếng. Người ta bảo ông có thể bay như sương mù và ẩn thân sau một cọng cỏ nhỏ xíu. Ông có thể tắt đèn chỉ bằng một cái nháy mắt. Ông có sức mạnh hơn Bodenga, pháp sư cá sấu, thật ra ông mạnh hơn bất kỳ pháp sư nào. Không ai địch nổi. Ông là pháp sư duy nhất trên thế giới có thể băng qua biển bằng pháp thuật phi thường. Chỉ bằng một câu thần chú, ông có thể giết chết bất kỳ ai trên khắp đảo Java.
Dân làng Mã Lai tin rằng Tuk Bayan Tula nửa người nửa thần - chính xác hơn là nửa ma.
Ngoài Lý Tiểu Long ra, Tuk Bayan Tula cũng là thần tượng của Mahar. Nếu A Kiong muốn làm đệ tử của Mahar bao nhiêu, thì Mahar muốn làm đệ tử của pháp sư thần thánh đó bấy nhiêu.
Vì vậy người ta cử vài người đến gặp Tuk Bayan Tula trên đảo Lanun - Đảo hải tạc - nơi ông sống. Họ đến bằng xuồng gắn máy của PN.
Trời rạng sáng, nhóm người trở về. Mọi người đón chào họ với niềm hy vọng vô lý về một phép lạ. Nhưng phi lý còn hơn là bỏ cuộc an toàn. Chúng tôi tìm Flo khắp nơi nhưng vẫn không thấy tăm hơi nó đâu.
Nhóm được phái đi mang về một mảnh giấy từ Tuk Bayan Tula và kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện sởn cả tóc gáy.
“Pháp sư sống trong một cái hang tối đen,” họ run run kể lại. “Mắt ông sáng như mắt vẹt. Ông không mặc gì ngoài một mảnh vải choàng qua người.”
Mahar lắng nghe chăm chú, miệng há hốc.
“Khi ông đi, chân ông thậm chí chẳng chạm đất nữa!”
Suốt bao nhiêu năm, tôi được hai thầy cô giáo giỏi là cô Mus và thầy Harfan dạy phải nhận thức duy lý và tránh thế giới đa thần của Shaman giáo, vì vậy tôi khó mà tin tất cả những chuyện ấy. Nhưng thông tin này được đa số người trong đoàn cầu viện xác nhận, mà họ thì đâu phải những kẻ rỗi hơi ngồi ba hoa khoác lác ở mấy quán cà phê vỉa hè. Giờ thì thằng Mahar càng sùng bái Tuk Bayan Tula hơn.
Người dẫn đầu phái đoàn cầu viện ấy mở mảnh giấy nhận từ Tuk Bayan Tula và đọc lớn:
Đây là chỉ dẫn của Tuk Bayan Tula:
Nếu các người muốn tìm cô bé đó, hãy tìm gần cái lán bỏ hoang nơi cánh đồng. Hãy tìm mau nếu không nó sẽ chết đuối bên dưới đám rễ đước.
Tôi giật mình sửng sốt khi nghe mẩu tin đó. Đầy đe dọa, hay nói chính xác hơn, thật đáng sợ. Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng mẩu tin ấy toát ra một sức mạnh nào đó. Cách lựa chọn từ ngữ của ông ta thật tỉ mỉ và thể hiện một khả năng siêu linh bậc thầy.
Nếu Tuk Bayan Tula nói dối, thì hẳn rất điêu luyện. Nhưng nếu quả thật là một pháp sư thì, ông ta không phải là pháp sư dỏm. Mẩu tin đó sẽ quyết định tiếng tăm của ông ta. Không một lời mập mờ hay ẩn dụ.
Nếu chúng tôi muốn chứng thực khả năng của Tuk Bayan Tula thì đây đúng là cơ hội rồi. Chúng tôi phải từ bỏ lập luận của mình và làm theo chỉ dẫn của ông ta. Và nếu hôm nay chúng tôi không thấy Flo gần căn lều hoang nơi cánh đồng ấy, hay không thấy nó nằm chết dưới đám rễ cây đước, thì Tuk Bayan Tula huyền thoại không hơn gì một kẻ đánh bạc vớ vẩn. Ai thích đánh bạc cũng đều là tên lừa đảo. Và nếu đúng như thế - nếu ông ta chính xác là như thế, lừa mị chúng tôi - thì chính tôi sẽ thân chinh đến đảo Hải tặc giật tung tấm vải mỏng tang quấn quanh thân hình ông ta ra mà xem.
Trồng trọt luân canh gối vụ vẫn là một tập quán phổ biến nơi đây. Chắc rằng sẽ có nhiều khó khăn nảy sinh, vì không dễ gì xác định được liệu một cánh đồng có một căn lều hoang hay không. Thật ra dọc theo sườn núi có nhiều lều hoang, dùng làm nơi cất giấu thiếc ăn trộm. Những người khai thác đào thiếc từ núi lên đem bán cho bọn buôn lậu giả ngư dân ngay cửa sông Linggang. Rồi thiếc đó sẽ được tuồn sang Singapore. Những người khai thác trái phép dựng lên những căn lều đó và có lúc ngụy trang mỏ thiếc thành cánh đồng trồng trọt.
Ăn cắp và buôn lậu là những nghề rất xưa. Những hành vi phạm pháp này - đương nhiên, phạm pháp theo góc nhìn của PN - xuất hiện từ khi người Hà Lan đưa người Khek sang Belitong làm cu li mỏ thiếc vào thế kỷ mười bảy.
PN xử lý dân khai thác bất hợp pháp rất nhẫn tâm và không hề nương tay. Hành vi của dân khai thác và bọn buôn lậu được xem như là hành động phạm tội mang tính chất phá hoại. Trên những dãy núi yên bình nơi dân khai thác bị xem như kẻ trộm, và dưới biển nơi dân buôn lậu được xem như hải tặc, chỉ có luật rừng: Nếu họ bị tóm thì ngủm ngay tại chỗ bởi loạt đạn AK 47 từ những kẻ máu lạnh vẫn được gọi là “cảnh sát đặc nhiệm chuyên bảo vệ thiếc”.
Nhờ chỉ dẫn của Mahar, đội Chiến binh Cầu vồng tiến về phía Bắc, đến lối đi tử thần của sông Butar.
Trên suốt con đường dẫn đến đó, chúng tôi dừng lại hàng chục cánh đồng và túp lều. Chúng tôi còn sục sạo cả những lùm rễ đước. Chẳng tìm thấy gì. Flo biến mất, như thể bị đất nuốt chửng. Chúng tôi gọi tên nó đến khàn cả giọng rồi mà chẳng thấy gì.
Cứ thêm một căn lều chúng tôi tìm kiếm mà không thấy Flo đâu, danh dự của Tuk Bayan Tula lại mất đi một ít. Và đến trưa, danh tiếng của Tuk Bayan Tula gần như tan tành trong mắt chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu ngờ vực quyền năng của pháp sư vô hình. Mahar có vẻ bị xúc phạm vì chúng tôi luôn kêu ca ì xèo mỗi khi tìm thấy một căn lều trống hoác, mà câu nói của Samson gây tổn thương hơn cả, “Nếu lão pháp sư ấy có thể biến thành một con vẹt thì lũ chúng mình đã không phải tìm kiếm nhọc công thế này.”
Cuối cùng, chúng tôi đến một tảng đá lớn nhô ra. Chúng tôi tụ tập lại đấy để nghỉ lấy sức. Đã đến cuối sườn núi phía Bắc, và đằng sau, cách nửa cây số, là khu vực nguy hiểm chết người của sông Buta.
Vẫn không thấy Flo đâu. Nếu tính đến những con dốc mạn Bắc thì mẩu tin của Tuk Bayan Tula rõ ràng sai bét. Bằng máy bộ đàm, chúng tôi liên lạc với những người đi tìm kiếm mạn Tây, Đông, Nam thì cũng được báo là không tìm thấy Flo. Và có nghĩa là: Tuk Bayan Tula đích xác là một tên lường gạt.
Mặt Mahar húp lên như thể sắp khóc. Nhìn nó trông giống như một người bị phụ tình. Tuk Bayan Tula khiến trái tim nó tan vỡ, dù ông ta không hề biết mình là anh hùng được nó tôn sùng hết mực. Kết quả của niềm tin mù quáng.
Tôi cũng thấy buồn, không phải vì suy nghĩ về uy tín đã tan tành của Tuk Bayan Tula, cũng không phải vì nhìn thấy Mahar thất vọng não nề, mà là vì nghĩ về số phận kinh khủng giáng xuống đời con nhỏ Flo. Rất có khả năng chúng tôi không bao giờ tìm thấy nó nữa. Hoặc có thể chúng tôi sẽ tìm thấy, nhưng chỉ là bộ xương vị đàn quạ bu quanh. Và thương cảm nhất là khi nó phải chết trong tuyệt vọng bởi đội cứu hộ đã đến trễ chỉ vài giờ. Thật khó có thể sống sót được giữa cái lạnh kinh người ban đêm trong khi bụng đói cồn cào. Tôi cảm thấy hoảng lên vì lúc này chúng tôi đã đặt chân đến lãnh địa của cái gọi là “quá trễ” rồi.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian